Những bài viết của ca sĩ Khánh Ly về Trịnh Công Sơn

 

Bài Số 1

Ở đâu và bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng anh nói cười, tôi đều cảm thấy một nỗi yên tâm vô cùng... "Ồ, Mai hả, có qua không". Tôi cười. "Em cũng chưa biết tính sao, để xem đã nghe anh..." Miệng thì nói vậy, sáng hôm sau tôi đã có mặt ở phi trường. Chuyến bay cất cánh lúc 7 giờ sáng.

Trời lúc đó đã sang tháng 4. Tuyết vẫn phủ trắng xóa 2 bên đường từ phi trường về nhà. Hình như cái gì vào lúc sắp hết cũng mạnh mẽ thêm, như ánh lụa, như cơn nắng, như mùa đông, như tình yêu - rồi mới chịu dứt hẳn, mới chịu buông tay chấp nhận. Cũng may, tôi chuẩn bị áo lạnh đầy đủ vậy mà cũng không tránh khỏi những suýt xoa.

Tôi đi thẳng lên lầu, rón rén bước vào phòng. Anh đang ngủ. Giấc ngủ buổi chiều. Khuôn mặt gầy, xương xương góc cạnh. Cái kính gọng vân vân như đồi mồi để trên cái bàn nhỏ đầu giường. Anh gầy quá. Tôi bước lại gần anh hơn. Rất nhẹ nhàng tôi cúi xuống nhìn sát mặt anh. Tôi không nghe thấy hơi thở của chính mình. Tự dưng tôi muốn hôn lên trán anh. Tôi không làm thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay rất gầy có những ngón thon dài, đặt trên ngực. Tôi không làm thế. Và cũng rất nhẹ nhàng như khi bước vào, tôi ra ngoài phòng khách ngồi nói chuyện với Tâm, Tĩnh, và anh Thích.

Anh bước ra, tay vuốt tóc, tay chỉ tôi ... "A, tới rồi. Tới hồi nào vậy?" Giọng anh không hề có chút ngạc nhiên, làm như cái chuyện tôi đến, anh đã biết. Ngày xưa cũng thế. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau và đến lúc này tôi mới cảm nhận rằng chúng tôi thực sự có nhau. Không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Tất cả chúng tôi ngồi bên nhau. Hình như chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau nhiều dù ở bất cứ một đề tài, một lãnh vực nào. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng. Cũng có lúc, cả hai chúng tôi bị lôi cuốn vào câu chuyện vui của mọi người. Nhưng đó là những điều hoàn toàn không dính líu, liên quan đến những điều thực sự chúng tôi muốn nói với nhau. Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói ra bằng lời.

Buổi chiều tuyết rơi kín mặt hồ, chúng tôi đi bên cạnh hàng cây đầy hoa. Hoa tuyết. Nói chuyện bâng quơ, không có gì rõ ràng được đặt ra, không có gì thắc mắc, không có khoảng cách 17 năm để phải ngỡ ngàng. Tôi ngỡ như vừa từ Saigon vào Huế thăm anh. Anh từ Huế vào Saigon. Chúng tôi uống cafe tại La Pagode. Tôi tưởng sẽ có nhiều điều, để hai anh em nói với nhau. Nhưng cả hai đều không nói gì cả.

Bao nhiêu ngày tháng đã đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi... Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết phải nói ra.

Trong một căn phòng, không phải bên cạnh sông Hương mà ở ngay giữa lòng thành phố Montreal. Bên ngoài tuyết rơi, chúng tôi ngồi với nhau, những người bạn cũ. Hát lại những bài hát ngày xưa. Hoặc những tình ca mới. Mỗi người một ly rượu, khói thuốc mù mịt, mỗi người ngồi sát nhau trên chiếc thảm, trước lò sưởi... Không ai cảm thấy lạnh. Không chút lạnh lẽo nào giữa chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Anh hát đi. Không, Mai hát đi. Giang hát đi. Mai ngâm thơ đi...

"Mà sao giấc ngủ không dài. Mà đêm không ngắn mà trời cứ mưa. Ở đây tôi sống như thừa. Có đem men rượu tẩm vừa lòng nhau" (Nguyễn Bính)

Cũng mùa đông, một đêm nào đó, 1974 ở nhà anh chị Lê, ở Huế. Ngôi biệt thự bên cạnh sông Hương. Ngoài trời cũng tối và lạnh như đêm nay. Mùa đông ở Huế. Chúng tôi cũng ngồi bên nhau như hôm nay. Lúc đó tôi vừa 30 tuổi. Tóc vẫn còn xanh. Lòng còn tha thiết yêu đời sống. Một buổi sáng tôi bỗng thấy mặt trời lên cùng tôi và biển cả. Nước mắt tôi tuôn như mưa. Tôi nhớ mùa đông ở Huế. Mùa đông ở Huế và anh.

17 mùa đông lặng lẽ đi qua, tôi vẫn nhớ những ngày âm u lạnh lẽo của Huế. Tôi có thể quên nhiều điều, tôi có thể quên tất cả để chỉ nhớ về những con đường của Saigon - nơi tôi đã ở và đã từ đó ra đi... nhưng không bao giờ tôi quên được những ngày tháng ngắn ngủi, vội vàng ghé Huế. Ðến vội vàng. Ði vội vàng mà chẳng thể nào quên được. Một thứ tình lạ thường đã trói buộc Huế trong trái tim tôi. Một trói buộc mơ hồ nhưng mạnh mẽ, đằm thắm. Tôi lớn trong hơi thở có Huế. Chính Huế cho tôi hơi thở.

Bây giờ là cuối đông. Những bông tuyết bay trong chiều, đậu trên những cành cây trụi lá, gầy guộc. Chúng tôi đi bên nhau. Tia nắng dịu dàng đậu trên những bông hoa nhỏ bé, lấp lánh, tấm thảm dầy trắng tinh, chỉ có vết chân bé nhỏ của những chú sóc nghịch ngợm chạy tới ăn những hột bắp rang nở bung mà anh liệng ra để dụ chúng lại gần. Anh cười vui, ánh mắt long lanh thơ dại. Tôi ít thấy anh cười mà cũng không bao giờ thấy anh tỏ vẻ buồn bã.

Chúng tôi tìm đến một thân cây lớn, một nửa ngập dưới tuyết, ngồi nghỉ chân. Tuyết vẫn rơi. Chỉ có hai chúng tôi giữa một vùng trắng mênh mông yên lặng. Chẳng lẽ không có gì để nói, không còn gì đáng nói sau mười mấy năm vắng nhau? Có chứ. Anh đã nói, không phải với riêng tôi, mà ở những bài hát. Tôi đã nghe và hiểu từ đó...

"Có đường xa mà gió chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên... Tôi là ai mà còn khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai. Là ai. Là ai mà yêu quá đời này... Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo..."

Tôi bỗng thương anh thêm và càng quý trọng những giây phút bên anh. Cũng vội vàng, ngắn ngủi như những lần tôi ghé Huế. Tuy nhiên, tôi nghĩ, như thế có lẽ tốt hơn. Bởi vì những điều như thế đã cho tôi cái cảm tưởng là không hề bao giờ, giữa chúng tôi có cái khoảng cách 17 năm. Lá vẫn rơi trên lối chúng tôi đi. Những khóm hoa nắng vẫn lấp lánh trên đường chúng tôi đi. Tất cả vẫn rất còn rực rỡ.

Quay về căn phòng nhỏ. Ánh lửa như hồng thêm, ấm áp thêm bên ly rượu màu hổ phách, cay nồng. Cởi áo lạnh ra, trông anh gầy hơn xưa nhiều song so với lần gặp nhau ở Paris 1989, anh có vẻ khỏe hơn. Bên cạnh anh là Hoàng Xuân Giang của quán Văn ngày xưa. Giang đã có vợ, con gái lớn rồi. Hoàng Xuân Sơn cũng đùm đề một gánh thê nhi nặng trĩu hai vai. Phạm Nhuận to béo hơn xưa, vui vẻ cười nói ồn ào bên cạnh Hoàng Xuân Sơn nhỏ nhẹ thư sinh. Hoàng Xuân Giang vạm vỡ khỏe mạnh như loài cây hoang trong rừng già và anh, anh mỏng manh và thật đằm thắm. Nhìn quanh, tôi thấy như mình đang sống trong thần thoại 20 năm là đây. Chỉ ở một buổi chiều cuối đông tại thành phố Montreal. Còn ai nữa nhỉ? Chắc chắn là còn thiếu một vài người. Trong tôi, một thoáng ngậm ngùi.

Chúng tôi chia tay nhau, dưới ánh đèn đường vàng vọt, trước cửa nhà anh Quế. Mai gặp lại. Anh và tôi trở về nhà Tâm. Nỗi vui làm tôi khó ngủ như ngày xưa sau mỗi buổi hát, chúng tôi thường ngồi lại với nhau, chia cho cạn niềm vui còn sót lại. Những niềm vui không thể để vung vãi, bỏ phí. Phải uống hết, phải nuốt hết vào lòng. Chúng tôi đã sống bằng những niềm vui không nhiều trong đời. Tôi tự cho mình là cái bóng của anh và cũng được hưởng niềm vui đó.

Tôi mở cửa phòng rất nhẹ. Anh đã ngủ yên. Chỗ tôi nằm cách chỗ anh một sải tay. Tôi khẽ nằm xuống, kéo mền len, nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Tôi nghĩ lát nữa đây, khi mặt trời lên trên thành phố này, khi tôi thức dậy, tôi sẽ nhìn thấy anh. Tuyết vẫn bay ngoài cửa sổ nhưng ngày sẽ đẹp.

Anh dậy rất sớm và việc làm đầu tiên trong ngày của anh là ra khỏi nhà. Tìm đến một quán Cafe, ngồi đó hút thuốc và nhìn người qua lại trên đường phố... "phải nhìn thấy mọi người, một ngày không thấy ai, buồn dễ sợ". Tôi nhìn anh cười không nói. Cái nhìn và nụ cười là câu trả lời. Ngày xưa anh cũng thế. Chúng tôi cùng nhau xuống phố. Vẫn im lặng đi bên nhau với nỗi hân hoan hạnh phúc không thành tiếng..." Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi. Ðường đến anh em, đường đến bạn bè. Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát. Ðể thấy tiếng cười rộn rã bay..."

Ðó là những điều rất thật thà anh đã nói, đã làm, để sau cùng "Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước này cần một trái tim. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Ðã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi".

Tôi thấy anh yêu đời thật sự. Anh cười với ông Phạm Duy, ông Trầm Tử Thiêng, ông Duy Khánh và các bạn qua điện thoại. Anh hát và chỉ cho tôi, cắt nghĩa cho tôi những bài hát mới. "Nhớ đừng có hát như trả bài nhé.". Giọng anh hát khỏe hơn lần gặp ở Paris. "Thôi anh hát đi, anh hát hay hơn em". Anh cười, mắt anh cũng cười "Anh bao giờ cũng hát hay hơn Mai".

Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng của năm 1967. Chúng tôi những người bạn nghèo, đến với nhau, gắn bó không ngờ. Gia đình anh giầu, gia đình Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang cũng giầu, nhưng cá nhân chúng tôi đều nghèo. Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cafe cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhầu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nảy mầm ở đó. Quán Văn, cái tên quán dễ nhớ và dễ thương, mọc lên chơ vơ giữa lòng Saigon trăm ngàn màu sắc. Những tấm ván ép hư bể, được ghép lại, nhỏ hơn cái bếp ở đây, chỉ dành làm chỗ pha cafe. Mọi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Ðó là nơi gặp gỡ đẹp đẽ nhất của một thời tôi còn trẻ.

Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui. Chúng tôi không cần biết vì niềm vui đã có. Rất đơn sơ mà thắm thiết không rời. Ðến với nhau qua sự run rủi của định mệnh. Không thề thốt, không hứa hẹn. Ðến và ngồi với nhau. Một lần rồi thì có nghĩa là mãi mãi. Giang đó, Sơn đó, Nhuận đó, Thảo đó, Anh và tôi... từ những ngày lăn lóc đó cho đến bây giờ vẫn không dời đổi. Qua những bài hát của anh, sự kết hợp những người trẻ thật khít khao vừa vặn. Ai đến cũng được, ai đi cũng được...

"Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...". Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Ðời cơm áo quả thật đã cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên... dù đời sống có làm tan vỡ, có làm chìm sâu những mơ ước của một đời người - thì trong trái tim bầm dập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất...

Khánh Ly



Bài Số 2

Có những điều người ta chỉ nói một lần rồi thôi. Có những sự việc người ta chỉ thoáng nghĩ đến rồi quên nhanh. Có những sự cớ phải buộc lòng bôi xóa để sống bởi đời sống nghiệt ngã ở khắp mọi nơi. Tuy thế nào mặc lòng, vẫn có những u uẩn cứ theo ta. Bóng ma quá khứ, như món nợ tiền kiếp.

Tôi không còn trẻ dại để mong Xuân về, Tết đến. Tôi cũng không còn đủ thanh xuân để mong nắng Xuân hồng trên má, gió Xuân làm mắt long lanh hơn hay để khoe người yêu một tà áo mới. Tôi lại chưa đủ già để quên những năm tháng có cay đắng, có ngọt ngào. Những ngày tháng ngập tràn tiếng cười và tiếng khóc. Thời gian cứ trôi qua. Cứ là thời gian và tôi vẫn cứ là tôi. Hai mươi lăm năm không thay đổi được bao nhiêu nơi con người tôi, à không, tôi muốn nói cái đầu tôi, nó vốn nhỏ bé nhưng lại chứa đựng quá nhiều kỷ niệm khiến nhiều khi tôi mất thăng bằng. Ðó là tôi đã gạn lọc sàng đãi để chỉ giữ lại điều mình muốn.

Khi tôi đến Huế, hơi Xuân lạnh còn đầy không gian. Không có hoa Phượng bay ... mù không lối vào, chỉ có mưa phùn buồn não lòng. Huế lạnh và buồn trong tiếng đại bác thỉnh thoảng từ xa vọng về. Ánh đèn vàng hiu hắt không soi rõ bước chân của người khách lạ bơ vơ trên hè phố. Gió càng về khuya càng lạnh. Mưa vẫn rơi rất nhẹ, người khách lạ dừng bước nhìn qua bên kia sông. Ta sẽ về nơi đó. Không có mưa rơi, gió lạnh nhưng cũng không có ai chờ đón ta.

Cách đó chỉ một con đường, anh ngồi lặng lẽ. Những ngón tay thon gầy lười biếng vuốt nhẹ trên từng sợi dây đàn. Cây đàn đã cũ nhả ra những âm thanh dịu dàng. Căn phòng nhỏ bỗng như ấm lại và sáng hơn cùng với tiếng cười con gái khúc khích. Anh ngước nhìn lên nhìn hiền lành rồi lại cúi xuống. Năm cô em gái, tóc dài đen nhánh mượt mà, hồn nhiên chạy ra ngồi quanh anh. Không có sự bao bọc, che chở nào êm ái hơn... Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn...

Tôi người khách lạ trong thành phố, đứng một bên cửa nhìn vào lòng quặn đau, nước mắt ứa ra. Tôi có thể bước vào được. Trong căn nhà nhỏ đơn giản đó, lúc nào cũng có một chỗ dành cho tôi, bên cạnh anh. Bao giờ cũng bên cạnh anh cũng với tình yêu và bóng mát của Mẹ anh. Người mẹ đó là tất cả. Là tình yêu duy nhất của đời anh. Bà cũng là người bạn, hiểu và cần thiết cho anh hơn bất cứ người nào.

... Mùa Xuân năm ấy, tôi bỏ lại tất cả. Bỏ lại cả cuộc đời. Dĩ nhiên là Anh bao giờ cũng ở trong tim tôi, một chỗ thật riêng tư và trang trọng - Hình ảnh cuối cùng tôi trông thấy là Vũng Tàu. Âm thanh cuối cùng tôi nghe thấy không phải là tiếng sóng biển mà là những tiếng đại bác từ bãi trước bắn vói theo. Lúc đó buổi sáng, tôi ôm chặt con trong tay, mê sảng không nghĩ được một điều gì. Không nghĩ đến ai. Vũng Tàu đó, đâu có xa lạ gì với tôi nhưng dẫu có muốn, tôi cũng không quay lại được. Phía trước và quanh tôi mênh mông biển cả. Không biết mình sẽ đi đâu nhưng con tàu nhỏ mang theo tôi, cứ tiến tới.

Cuộc đời đã sang trang chỉ sau một giấc ngủ. Hầu như mọi người đều thay đổi. Phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống mới nơi quê người. Trên quê nhà. Cho đến bây giờ trong cõi lòng tan nát của những người ra đi ngày ấy, bao nhiêu kỷ niệm còn được giữ lại. Bao nhiêu ước mơ còn tiếp tục được thắp sáng. Riêng tôi, một ngày qua, nỗi đau có dịu lại nhưng nỗi nhớ lại đầy hơn. Tôi nhớ thương những tháng ngày, những người đã cho tôi một thời hạnh phúc hiếm hoi và dẫu sao, tôi cũng nhớ thương nơi tôi đã bỏ đi trong một ngày đất trời mù mịt tang tóc...

... Quen biết nhiều, nhưng gọi là bạn, tôi lại chẳng có ai. Với tất cả tôi đều dành một sự quý mến, nhường nhịn như nhau, bằng nhau - ông N.D. Toàn, ông T.C. Sơn dĩ nhiên phải đạc biệt hơn và không thể coi là bạn - ở mỗi người, tôi yêu một điều gì đó và chỉ cần như thế. Những người tôi được biết là những người hoặc có thực tài hoặc đức độ. Ðức là điều không phải ai cũng được. Tiền, tài, thế gian này không thiếu. Chỉ thiếu người đức độ...

... Họ thường gặp nhau vào buổi chiều. Những cơn gió nhẹ từ con sông rong chảy ngang thành phố, đã xua tan cơn nóng bức, làm dịu lại cả những mặt đường. Cây lá bắt đầu xôn xao nhảy múa chờ đón nắng khuya. Ðó là giờ phút thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ. Họ là những người còn trẻ. Tất cả như mới vào đời. Mới bắt đầu cuộc chơi. Họ nhìn nhau bằng những cái nhìn trong sáng đầy tin cậy. Họ cười với nhau bằng những nụ cười hồn nhiên, thơ dại và chân chất. Họ còn trẻ. Họ chưa chuẩn bi, chưa có một chuẩn bị nào cho một cuộc chơi nhiều bi thảm, mà phải mãi nhiều năm sau này, họ mới biết được.

Tuổi trẻ, ở bất cứ thời điểm nào đều đáng yêu. Hãy nhìn họ nói với nhau. Hãy nghe họ hát với nhau những bài hát ca ngợi cuộc sống và tôn vinh nỗi chết. Họ có cùng một tuổi trẻ. Cùng một niềm tin dẫu rằng tuổi trẻ sẽ qua và niềm tin sẽ nhận chìm họ trong nỗi thống khổ. Ðúng, phaỉ nhiều năm sau, họ mới biết.

Buổi chiều. Là buổi chiều của hơn 30 năm về trước. Có những người trẻ ngồi hát bên nhau, nói với nhau về tình yêu, cuộc đời, thân phận và quê hương. Ở đâu đó, tiếng đại bác vọng về. Ở đâu đó, không xa lắm, đêm đêm nỗi chết hiện diện cận kề như một người tình không chờ đợi. Những người trẻ vẫn ngồi hát bên nhau. Tiếng đàn hát của họ không che lấp được tiếng đại bác. Không che lấp được tiếng khóc than. Không lau khô được những dòng nước mắt. Nhưng họ vẫn hát. Chính là họ đang vỗ về an ủi trái tim của họ, trái tim của những người cùng một thế hệ. Những trái tim chưa kịp trẻ. Còn rất non trẻ.

Mãi đến sau này, rất nhiều năm sau này, khi họ, những người của hơn 30 năm trước lại ngồi với nhau, hát lại những bài tình ca cũ, họ mới chợt nhận thức được rằng trái tim của họ đã tan nát từ bao giờ. Họ ngồi với nhau trong một căn nhà ấm cúng. Ở đấy, đại bác đã im tiếng chăng? Không. Nó vẫn còn rền vang trong tận cùng đáy sâu kỷ niệm hòa lẫn tiếng khóc than hờn oán của cả một thế hệ đã tả tơi đến chẳng còn nhận ra ai. Cũng một buổi chiều. Thời điểm cũng vẫn là buổi chiều. Bao giờ buổi chiều cũng là khoảng thời gian đẹp đẽ để gặp nhau. Tiếng hát được cất lên trong không gian đang nhạt nhòa. Thật thà hơn, buồn bã hơn. Họ gặp lại nhau để biết rằng đây không phải là một giấc mơ. Rằng tiếng hát cũng như người hát đều là thật. Không gì có thể thật hơn. Thật như nỗi chết vậy.

... Hơn 30 năm không còn cùng nhau ngồi hát ca. 25 năm xa lìa cố quận. Bao nhiêu cay đắng bể dâu không khiến lòng tôi phai mờ những dấu ấn tốt đẹp đã để lại mảnh đất nhiều bất hạnh khổ đau. Quê hương thì bao giờ cũng thế. Nhưng đời người, những con đường, những góc phố, những dòng sông, những khuôn mặt, những nụ cười, những ánh mắt... tất cả dường như đã biến dạng. Ðiều còn lại, phải chăng là những ước mơ đâu đó trong trái tim mọi người. Anh gầy hơn xưa, tưởng như chẳng còn có thể gầy hơn nữa. Anh trầm lắng như tượng đá. Ánh mắt xa vắng. Nụ cười vu vơ khiến tôi đau lòng. Sao anh không khóc đi. Nước mắt có khi thay được cho bao nhiêu điều muốn nói... Vẫn những người em gái xưa, nay đã thành thiếu phụ, ở quanh anh. Không còn phải là những phút xum vầy sung sướng hạnh phúc đơn sơ. Chẳng có gì, chẳng có ai lấp đầy nỗi đơn lẻ trong anh. Ôi, làm sao trả lại cho anh, cho tôi, cho chúng tôi những tháng ngày đã mất... Người quen biết cũ lần lượt vắng xa và sẽ chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng sẽ rong chơi một nơi nào đó. Sẽ chẳng còn gì. Sẽ chẳng còn ai từng ngày, ngồi thương tiếc. Kỷ niệm sẽ tàn phai, mất hút. Như chưa bao giờ xảy ra, như một điều không có thật. Như huyền thoại... Một ngày nào, anh bảo tôi... Huyền thoại là điều không có thật...

Ngày đó... ngày đó chúng tôi còn trẻ và rất gắn bó. Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng có một ngày nào đó lại phải thương nhớ nhau từng phút giây. Tuy vậy, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn ở trong trí tưởng của mỗi người, như ngày đầu ngồi với nhau, vào đời nhau bằng những bản tình ca. Hồn xa rồi, người ta còn có thể sống được không? Trái tim ngưng đập rồi, người ta có thể nào không chết? Chúng tôi đã đến với nhau một lần. Chỉ một lần nhưng xin đủ cho một đời...

Khánh Ly (Trích Tạp Chí Văn Nghệ Số 1.2000).